Breaking News
Loading...
Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Việc lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) cho xe kinh doanh vận tải là chuyện phổ biến ở các nước phát triển, tuy nhiên lại rất mới ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nghiên cứu thận trọng điều kiện đặc thù trong nước trước khi buộc doanh nghiệp áp dụng đại trà.
Sử dụng thiết bị giám sát hành trình: thêm an toàn, thêm lợi nhuận
Theo quy định thì thiết bị giám sát hành trình (GSHT) hay còn gọi là hộp đen phải đảm bảo 5 tiêu chí ghi và lưu trữ thông tin về tốc độ chạy xe, hành trình chạy, thời gian lái xe theo quy định, số lần và thời điểm đóng hoặc mở cửa xe, số lần và thời gian dừng đỗ xe. Ngoài ra, thiết bị có thể có thêm một số tính năng khác theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp vận tải (DN).
Trên thực tế, trước khi Luật GTĐB quy định một số xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt hộp đen, đã có một số DN vận tải lớn như Mai Linh, Thuận Thảo, Phương Trang... lắp đặt thiết bị định vị loại định vị vệ tinh (GPS). Nhận thấy những tiện ích mà thiết bị mang lại, các DN này đã đi tiên phong nhằm quản lý vận tải tốt hơn.
Họ dễ dàng quản lý hoạt động của các đầu phương tiện, giờ xuất bến, giờ đến bến, thời gian dừng xe... từ đó giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất khai thác. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị đang được sử dụng này sẽ phải tích hợp thêm một số tính năng khác mới đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của hộp đen được quy định trong Nghị định 91. Bởi những tính năng mà doanh nghiệp đang sử dụng mới hướng tới mục đích quản lý hiệu quả khai thác chứ chưa chú ý đến mục tiêu an toàn giao thông.
Theo một cán bộ của Cục Đăng kiểm, thiết bị GSHT sẽ được lắp đặt trên đầu xe khách, tương tự như hộp tính cước taxi. Thiết bị này sẽ giúp cho các lực lượng chức năng trên đường như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm.
Việc kiểm tra khá đơn giản, thuận tiện bởi chỉ cần nhấn nút vào thiết bị in gắn kèm hộp đen là các thông số sẽ được in ra trên giấy. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng có thể lấy dữ liệu qua cổng kết nối có trên thiết bị.
Hiện nay, phần cứng của thiết bị GSHT chủ yếu được các doanh nghiệp nhập từ Trung Quốc còn phần mềm do các công ty Việt Nam sản xuất. Từ trước đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm định chất lượng sản phẩm, tất cả các doanh nghiệp đều tự mua về lắp đặt.
Từ 1/7/2011 xe vận tải hàng hóa bằng container phải gắn thiết bị giám sát hành trình
Dự kiến, trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ là cơ quan cấp tem kiểm định chất lượng cho hộp đen trước khi được lắp đặt trên phương tiện. Cước phí sử dụng thiết bị giám sát hành trình mỗi xe dự kiến trong khoảng từ 50 đến 140 nghìn đồng/tháng tùy theo từng gói cước yêu cầu của doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Trong gần 1 năm qua, Bộ GTVT đã giao cho Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu, khảo sát, lắp đặt và thử nghiệm một số chủng loại thiết bị GSHT lắp ráp trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Đến nay, việc thử nghiệm cho thấy, các thiết bị này đã ghi và lưu trữ được phần lớn các thông tin quan trọng như yêu cầu của Nghị định 91.
Khi nào, xe gì phải lắp thiết bị giám sát hành trình?
- Từ ngày 1/7/2011: Xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT).
- Từ ngày 1/1/2012: Xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng buộc phải gắn thiết bị GSHT.
- Từ ngày 1/7/2012: Các loại xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải lắp thiết bị GSHT.
Chức năng của hộp đen?
- Ghi và lưu trữ thông tin về: tốc độ chạy xe, hành trình chạy, thời gian lái xe theo quy định, số lần và thời điểm đóng hoặc mở cửa xe, số lần và thời gian dừng đỗ xe. Ngoài ra có thể có thêm một số tính năng khác theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp vận tải.
- Kiểm soát an toàn chạy xe: cảnh báo quá tốc độ, cảnh báo quá thời gian lái xe quy định.
- Quản lý hành trình: quãng đường đi, tọa độ của xe theo thời gian và có thể vẽ hành trình xe chạy nếu dữ liệu được truyền về máy tính (thông qua hệ thống viễn thông hoặc cổng kết nối) và gắn lên bản đồ số.
- Kiểm soát trên đường: giúp cho các lực lượng chức năng trên đường kiểm tra và xử phạt vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe quy định... thông qua kết quả được in trực tiếp thông qua một thiết bị gắn kèm... Ngoài ra, cũng có thể kết nối dữ liệu trong máy thông qua các cổng kết nối hoặc thẻ nhớ, USB để đưa vào máy tính xử lý.
- In nhanh kết quả một số thông tin chính như: biển số xe, loại xe, người lái xe, số bằng lái xe, thời điểm in, tốc độ trung bình/phút trong một khoảng thời gian trước đó, các thời điểm vượt tốc độ cho phép, thời gian lái xe quá quy định...
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng, cuối tháng 7, đầu tháng 8, Bộ GTVT sẽ ban hành Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng thiết bị GSHT.
Trong tháng 8, Bộ sẽ yêu cầu những DN có xe vận tải khách chạy trên 500 km, xe container báo cáo số lượng.
Theo đó, Cục Đăng kiểm sẽ có thông báo đến các doanh nghiệp. Đến 1/7/2011, các xe thuộc diện phải lắp hộp đen mà không thực hiện sẽ phải ngừng hoạt động. Các trạm đăng kiểm xe cơ giới sẽ không cấp tem kiểm định cho xe không có thiết bị.
Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt cũng đang gặp một số vướng mắc. Thông thường mỗi xe chỉ cài được một tốc độ tối đa và sẽ phát tín hiệu cảnh báo khi lái xe vượt tốc độ này.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, mỗi tuyến đường lại có một quy định tốc độ riêng biệt.
Do đó, chức năng cảnh báo lái xe là rất khó thực hiện do thiết bị giám sát không thể cập nhật tốc độ quy định trên từng đoạn đường để cảnh báo lái xe. Bên cạnh đó, việc kiểm soát DN để không thay đổi dữ liệu trong quá trình lưu giữ ở máy chủ cũng không đơn giản.
Ngoài ra, việc cơ quan chức năng nào sẽ được lấy thông tin từ hộp đen và lấy ở mức độ nào, thời gian và chất lượng kiểm định thiết bị... cũng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải băn khoăn. Ông Nguyễn Văn Quyền – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải tự lưu trữ dữ liệu. Nhà nước sẽ quy định thời gian lưu trữ là bao nhiêu.
Thông qua dữ liệu này, các cơ quan chức năng sẽ định kỳ kiểm tra để chấn chỉnh. Về lâu dài, Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng hệ cơ sở dữ liệu vận tải trên phạm vi cả nước gồm danh mục đơn vị vận tải, tuyến, phương tiện vận tải, chất lượng vận tải... Từ đó, cơ quan quản lý sẽ có dữ liệu để chấn chỉnh và xử lý vi phạm của doanh nghiệp.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Trung tướng Cao Xuân Hồng khẳng định: Bộ Công an và các bộ ngành liên quan sẽ nghiên cứu áp dụng cơ sở dữ liệu của thiết bị GSHT để xử phạt vi phạm giao thông và điều tra tìm hiểu nguyên nhân gây tai nạn.
Đến nay, việc thử nghiệm chất lượng thiết bị GSHT coi như đã hoàn tất, nhưng việc triển khai lắp đặt và quản lý, sử dụng thiết bị này như thế nào để phát huy đúng mục tiêu chính là đảm bảo an toàn giao thông vẫn còn nhiều điều cần cân nhắc.
Thiết bị giám sát hành trình được đặt trên táp-lô xe
Đại diện một doanh nghiệp vận tải cho rằng các cơ quan chức năng cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của hộp đen sớm hơn nữa, tránh tình trạng DN đầu tư rồi lại phải thay đổi theo yêu cầu của cơ quan quản lý gây tốn kém không đáng có.
Đặc biệt, việc đảm bảo chất lượng ổn định, độ bền của hộp đen trong điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều của Việt Nam là điều rất đáng lưu tâm.
Thu Phương
TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp còn nhiều do dự
Theo Luật GTĐB, chỉ còn chưa đầy một năm nữa, nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM sẽ phải chi hàng trăm triệu đồng để triển khai lắp đặt hộp đen cho phương tiện. Nhưng hiện tại, không ít “nhà xe” vẫn chưa “tỏ” lợi ích của thiết bị này và tỏ ra khá thờ ơ với quy định mới.
Doanh nghiệp lớn tiên phong
Công ty cổ phần Vận tải tốc hành Mai Linh (Mailinh Express) là đơn vị tiên phong trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS (hộp đen). Cách đây hơn 1 năm, Mailinh Express đã bắt tay vào việc lắp đặt hộp đen cho các xe chở khách.
Đến nay, đã có 560 xe trên 30 chỗ của Mailinh được quản lý bởi hệ thống giám sát hành trình. Với chi phí trên 300 đôla cho một thiết bị nhỏ gọn nằm trên xe, giờ đây, trung tâm điều hành của Công ty có thể giám sát toàn bộ hành trình của xe, từ việc dừng đỗ, thời gian lái xe đến việc lạng lách hay vi phạm tốc độ cũng như theo dõi các biến cố của xe... từ đó nhắc nhở trực tiếp lái xe và xử lý kịp thời các tình huống.
Ngoài ra, hệ thống GPS còn cung cấp chế độ bảo dưỡng tự động, báo cho tài xế biết khi nào phải thay nhớt, thay lốp.
Ông Phạm Minh Sương, Phó Giám đốc khối vận tải Mailinh Express cho biết: Trước đây trung bình cứ 250.000 km lại xảy ra một vụ va quệt, từ khi lắp đặt hộp đen, con số này là 1 triệu km. Tần suất xảy ra tai nạn trên một ngàn kilômet đã giảm trên 74%.
Trong khối doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa bằng container, công ty TNHH Dịch vụ giao nhận vận tải Công Thành là đơn vị đi đầu trong việc lắp đặt hộp đen cho xe đầu kéo.
Lái xe sẽ bớt chạy ẩu sau khi doanh nghiệp quản lý bằng hệ thống giám sát hành trình
Chi ra hơn 600 triệu đồng để lắp hộp đen cho hơn 100 xe đầu kéo nhưng cái được của chúng tôi rất lớn đó là hạn chế rủi ro trong kinh doanh, giảm tai nạn, khai thác xe đạt hiệu quả cao hơn, ông Thành, Giám đốc Công ty khẳng định.
Doanh nghiệp nhỏ do dự
Nếu như các DN lớn quan tâm và tự giác lắp đặt hộp đen để quản lý phương tiện tốt hơn thì các DN vừa và nhỏ lại chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Một số chủ DN vẫn còn do dự về việc lắp đặt hộp đen.
Ông Đào Hữu Việt, Giám đốc công ty TNHH Vinh Kim Sơn, đơn vị có 46 xe container tỏ ra thờ ơ và khẳng định “Việc lắp thiết bị giám sát chưa nằm trong kế hoạch của chúng tôi”.
TP.HCM hiện có khoảng gần 3.200 xe buýt hoạt động trên 150 tuyến. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 tuyến xe buýt đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là tuyến 150 (BX Chợ Lớn - Tân Vạn), tuyến 145 (Hiệp Thành - BX Chợ Lớn) và tuyến 66 (An Sương - BX Chợ Lớn).
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: Chỉ các DN nào thấy lợi ích thiết thực thì tự giác lắp đặt, các DN khác vẫn chưa có động tĩnh gì.
Lý do mà các DN vẫn còn chần chừ là chưa hiểu được hết lợi ích của việc lắp đặt hộp đen, chi phí lắp đặt khá cao, Bộ GTVT chưa đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về hộp đen để DN lựa chọn.
Ngoài ra, hộp đen GPS hoạt động trên nguyên tắc sử dụng tín hiệu định vị toàn cầu qua sóng điện thoại di động nên cũng tạo ra những tình huống “oái oăm”. Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hồng Anh ở Nhơn Trạch - Đồng Nai cho biết: “Công ty có 14 xe đầu kéo container đã lắp hộp đen hơn một năm nay.
Nhưng xe đi vào vùng sâu, vùng xa thì mất sóng, chúng tôi không ngoại trừ trường hợp tài xế tắt hộp đen rồi nói là ngoài vùng phủ sóng”.
Một thành viên của Hiệp hội vận tải thành phố cho biết, bài học về chuyển đổi bằng FC vẫn còn “nóng”.
Nếu các DN không chủ động, tự giác lắp đặt hộp đen, đến khi quy định có hiệu lực thì khó có thể đổ lỗi do thời gian quá gấp gáp hay thiếu thiết bị. Tuy nhiên, chúng tôi đang nóng lòng chờ hướng dẫn của Bộ GTVT về tiêu chuẩn thiết bị, vị đại diện DN này khẳng định.
Phan Tư
Thượng tá Trần Sơn - Cục CSGT Đường bộ - đường Sắt: Hộp đen sẽ hỗ trợ CSGT xử lý vi phạm
Thiết bị GSHT được gắn trên xe luôn là điều mơ ước không chỉ đối với những người làm công tác điều tra và giải quyết TNGT mà còn cả các doanh nghiệp. Chỉ cần căn cứ vào những thông tin được ghi trong bộ nhớ của thiết bị, CSGT có thể đưa ra bằng chứng về việc vi phạm của tài xế trong suốt hành trình đã đăng ký.
Lợi ích của thiết bị GSHT là điều không cần bàn cãi và mỗi doanh nghiệp, mỗi tài xế đều phải nhận thức rõ sự cần thiết phải lắp đặt thiết bị này. Nhờ hộp đen, doanh nghiệp cũng kiểm soát chặt chẽ được tài xế, phương tiện trong quá trình hoạt động trên tuyến.
Tôi tin rằng, sau khi lắp thiết bị này, ý thức chấp hành quy định về an toàn của tài xế sẽ được nâng cao, góp phần giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT.
  • Ông Ninh Xuân Ánh - Giám đốc Công ty TNHH Ánh Hằng - Ninh Bình:Sẽ lắp hộp đen sau khi có tiêu chuẩn
Chúng tôi chỉ có 3 chiếc xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Kim Sơn - Sài Gòn thuộc đối tượng phải lắp hộp đen.
Chúng tôi đang đợi các cơ quan chức năng công bố thiết bị nào đạt chuẩn để đặt hàng và lắp đặt theo quy định. Nếu lắp đặt hộp đen sớm, không đúng tiêu chuẩn quy định thì lại phải sửa chữa hoặc thay đổi, tốn kém lớn mà doanh nghiệp thì nhỏ.
K.H
  • Ông Tạ Công Thuận - Giám đốc Công ty TNHH TM Điện tử Vinh Hiển:Giá hộp đen tùy thuộc vào thông số khách hàng yêu cầu
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thiết bị GPS, các DN cần cẩn trọng khi lựa chọn. Những thiết bị GPS thông thường chỉ cho phép hiển thị xe trên bản đồ chứ không quản lý được quá trình hoạt động của phương tiện.
Một thiết bị hộp đen GPS đúng nghĩa phải đảm bảo 3 tiêu chí: Nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện (kiểm soát cung đường phương tiện di chuyển, vị trí phương tiện...); Giảm chi phí vận hành phương tiện (quản lý số kilômet chạy, thời gian chạy, các điểm dừng, đỗ...); Quản lý an toàn suốt hành trình (kiểm soát lái xe chạy ẩu, chạy quá tốc độ...). Giá của một hộp đen GPS tùy thuộc vào các thông số mà khách hàng yêu cầu.
Hộp đen cần cài đặt hệ thống phần mềm với nhiều chức năng quản lý thì giá khoảng 6 triệu đồng. Hộp đen dùng cho xe cá nhân, không cần những thông số đặc biệt thì khoảng 5 triệu đồng.

1 nhận xét:

  1. Thiết bị dinh vi oto là giải pháp quản lý xe an tòan, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

    Trả lờiXóa